Phân tích vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn



Trong quá trình hoạt động hành nghề luật sư, tôi đã tham gia bào chữa cho rất nhiều bị cáo trong các vụ trọng án tương tự như vụ án Nguyễn Thanh Chấn.




Với những thông tin có được (tính đến thời điểm Điều tra viên Trần Nhật Luật và Kiểm sát viên Đặng Thế Vinh bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án theo Điều 300 Bộ luật Hình sự), tôi không khỏi băn khoăn, tự đặt ra một số câu hỏi: Tại sao ông Chấn tự thú sau đó lại kêu oan? Tại sao các mẫu dấu vết thu được tại hiện trường lại không được trưng cầu giám định, kết luận đầy đủ? Tại sao điều tra viên và kiểm sát viên bị khởi tố về hành vi làm sai lệnh hồ sơ? Tại sao… ông Chấn bị kết tội oan? Với những phân tích dưới đây, hy vọng sẽ phần nào giúp bạn đọc tự trả lời được những câu hỏi và sẽ hiểu rõ hơn về nội dung vụ án.

Theo các tài liệu đã được công bố công khai thì vụ án được tóm tắt như sau:
Ngày 15/8/2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại. Ngày 17/8/2003, cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án giết người. Ngày 29/9/2003, ông Nguyễn Thanh Chấn bị cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam về tội giết người. Ngày 26/3/2004, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bắc Giang tuyên xử ông Chấn phạm tội giết người, án tù chung thân. Ngày 26-27/7/2004, TAND tối cao tuyên xử y án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Thanh Chấn.
Ngày 25/10/2013, Lý Nguyễn Chung, ngụ cùng thôn với ông Chấn tại thời điểm xảy ra vụ án ra đầu thú, khai nhận hành vi giết chị Hoan để cướp tài sản. Ngày 29/10/2013, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao khởi tố vụ án hình sự giết người, cướp tài sản và khởi tố bị can với Lý Nguyễn Chung về hai hành vi này. Ngày 04/11/2013, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành kháng nghị tái thẩm số: 01/QĐ-VKSTC-V3, đề nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm, tạm đình chỉ thi hành án đối với ông Chấn. Ngày 06/11/2013, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao họp và ra Quyết định tái thẩm số 18/2013/HS-TT, hủy bản án hình sự phúc thẩm số 1241/PTHS ngày 27/7/2004 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội và Bản án hình sự sơ thẩm số 45/HSST ngày 26/3/2004 của TAND tỉnh Bắc Giang đối với Nguyễn Thanh Chấn; chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND tối cao để điều tra lại theo thủ tục chung. Ngày 25/01/2014, Cơ quan cảnh sát điều Bộ Công an đã ban hành quyết định đình chỉ điều tra bị can, ông Chấn chính thức được cơ quan tiến hành tố tụng xác định là vô tội.
Ngày 9/5/2014, ông Trần Nhật Luật và ông Đặng Thế Vinh là Điều tra viên và Kiểm sát viên thụ lý chính vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn đã bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “Làm sai lệch hồ sơ vụ án”.
Sáng 22/5/2014, Lý Nguyễn Chung là nghi can chính đã giết hại chị Nguyễn Thị Hoan trong vụ án “giết người” xảy ra vào ngày 15/8/2003 đã được cơ quan điều tra dẫn giải về thôn Me (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) để tiến hành thực nghiệm lại hiện trường vụ án mạng. Quá trình thực nghiệm, Lý Nguyễn Chung đã diễn tả hành vi phù hợp với lời khai nhận khi đầu thú.
Phân tích một số tình tiết, vấn đề có liên quan đến vụ án
Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng
Đến giai đoạn xét xử thì tòa án mới yêu cầu Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang phân công văn phòng luật sư cử luật sư bào chữa cho ông Chấn. Tại giai đoạn điều tra và giai đoạn truy tố thì ông Chấn không mời luật sư bào chữa và Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát tỉnh Bắc Giang cũng không yêu cầu Đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử luật sư bào chữa cho ông Chấn. Như vậy, Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã vi phạm, không thực hiện đúng qui định tại điểm a khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988, sửa đổi bổ sung vào năm 1990, 1992 và 2000 (BLTTHS năm 1988). Trong trường hợp này, theo qui định tại điểm c khoản 1 Điều 154 BLTTHS năm 1988 thì tòa án phải trả hồ sơ cho viện kiểm sát điều tra bổ sung.
Không làm rõ chứng cứ ngoại phạm của ông Nguyễn Thanh Chấn
Việc xác định hành trình về thời gian của ông Nguyễn Thanh Chấn trong buổi tối ngày 15/8/2003 chưa được làm rõ. Lời khai nhận của bị cáo và lời khai của các nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn. Một số nhân chứng khai "vào lúc 19h30 phút Nguyễn Thanh Chấn vẫn còn đang múc nước tại giếng nhà chị Hoàng Thị Viễn; khoảng thời gian hơn 20 phút từ 19 giờ đến khoảng 19 giờ 25 phút Nguyễn Thanh Chấn đi đâu, làm gì với ai thì bị cáo hoàn toàn không chứng minh được”. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27/7/2004, nhân chứng Phạm Thị Nhâm và Nguyễn Văn Thực vẫn tiếp tục khẳng định và xác nhận “khoảng 19 giờ 20 phút ngày 15/8/2003 bà Nhâm ra quán anh Chấn mua hàng thì gặp anh Nguyễn Văn Thực vào gọi điện thoại ở quán, anh Chấn là người bấm máy cho anh Thực gọi, lúc đó ông Quyền đến mua mắm cũng biết”. Anh Nguyễn Văn Thực cũng xác nhận “khoảng 19 giờ 30 phút ngày 15/8/2003 anh gọi điện tại quán nhà Chấn, anh Chấn bấm máy cho anh gọi”. Lời khai của các anh Nguyễn Văn An, Lê Văn Giới “thời điểm các nhân chứng này đi qua nhà chị Hoan vào khoảng 19 giờ 30 phút thì thấy có xô xát phía trong nhà”. Căn cứ vào các lời khai này, xác định có chứng cứ ngoại phạm đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, nhưng đã không được cơ quan tố tụng làm rõ. Bản án phúc thẩm nhận định “... cho dù tính toán thời gian xin nước cả đi lẫn về trên đoạn đường khoảng 100m bằng phương tiện xe đạp, giả định có đi chậm như người đi bộ cũng chỉ dao động ở mức 10-15 phút thì Chấn còn dư thừa từ 5 -10 phút để làm những việc bất minh khác...”, nhận định như vậy là không có cơ sở thực tế.
Chối tội, tự thú rồi kêu oan?
Tại các lời khai ban đầu (từ ngày 30/8/2003 đến ngày 27/9/2003, đây là thời điểm chưa có quyết định khởi tố bị can) và tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm ông Nguyễn Thanh Chấn đều không nhận tội, kêu oan và khai rằng những lời khai nhận tội là do bị ép cung, được Điều tra viên hướng dẫn khai báo sự việc, hướng dẫn vẽ sơ đồ hiện trường, được luyện tập nhiều lần để thực nghiệm điều tra ... Bản án sơ thẩm, phúc thẩm đều áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo qui định tại điểm o khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự là “Người phạm tội tự thú”. Như vậy có thể hiểu rằng, trong vụ án này ông Chấn đã tự nguyện “tự thú” với mục đích để được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và sự khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, khi được Hội đồng xét xử thẩm vấn công khai tại phiên tòa sơ thẩm thì ông Chấn đã kêu oan ngay. Câu hỏi được đặt ra là: ông Chấn đã tự nguyện “tự thú” hay việc “tTự thú” là vì lý do gì khác? Tự thú rồi kêu oan liệu có phù hợp với “quy luật” và diễn biến tâm lý chung của những người phạm tội không hay điều này thể hiện tâm lý chung của những người không thực hiện hành vi phạm tội mà buộc phải nhận tội? Thông thường, các bị can, bị cáo khi đã xin “tự thú” thì họ đều đã nhận thức được hành vi phạm tội của mình, tự nguyện ra tự thú để mong được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật (tình tiết giảm nhẹ) và nếu đúng là họ đã “tự thú” thì đương nhiên trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị can, bị cáo sẽ thành khẩn khai báo, nhận tội để được hưởng tình tiết giảm nhẹ chứ không bao giờ có chuyện “tự thú” để rồi lại “kêu oan” như trường hợp của ông Chấn. Do vậy, theo suy đoán thì chỉ có thể xảy ra trường hợp bị can, bị cáo ra “tự thú” là không “khách quan, vô tư” mà việc “tự thú” có thể sẽ phải có một lý do nào khác và trong trường hợp bị can, bị cáo không còn cách nào khác để chứng minh mình vô tội ngoài việc “tự thú” để được sống và ra toà xét xử công khai kêu oan. Hơn nữa, nếu việc ông Chấn nhận tội và tự nguyện tự thú là phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ thì chắc chắn luật sư sẽ bào chữa theo hướng giảm nhẹ chứ không thể bào chữa theo hướng bị cáo bị oan và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên vô tội.
Nghiệp vụ điều tra non kém hay hồ sơ vụ án đã bị...bớt ?
Quá trình điều tra chỉ căn cứ duy nhất vào “kết quả so sánh xác định kích thước dấu chân của ông Chấn gần đúng với kích thước dấu chân thu được ở hiện trường làm chứng cứ quy kết ông Chấn có mặt ở hiện trường”. Vậy còn những “dấu vết tay có máu trên cửa, trên thanh sắt cài cửa hậu, dấu vết trên công tắc điện” để lại tại hiện trường thì sao? Nghiệp vụ sơ đẳng nhất của điều tra viên có lẽ chính là việc “thu thập đầy đủ dấu vết tại hiện trường, gửi mẫu đi giám định khoa học để đánh giá, kết luận, xác định chính xác hành vi phạm tội và nguời phạm tội”. Tại sao trong vụ án này cơ quan điều tra lại không gửi mẫu “dấu vết tay có máu trên cửa, trên thanh sắt cài cửa hậu, dấu vết trên công tắc điện” đi trưng cầu giám định? Không lẽ cả một ban chuyên án gồm có 8 điều tra viên đều bỏ qua nghiệp vụ hết sức sơ đẳng này? Tôi tự hỏi: Phải chăng các điều tra viên, kiểm sát viên đã quá non kém về nghiệp vụ điều tra trọng án? Cũng có thể cơ quan điều tra đã gửi mẫu các dấu vết nói trên đi trưng cầu giám định, nhưng kết luận giám định không trùng khớp với dấu vân tay của ông Chấn, do vậy mà tài liệu giám định, kết luận giám định “có thể” đã được “bớt” ra ngoài không lưu vào trong hồ sơ vụ án với mục đích để cho phù hợp với bản “tự thú” của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Nếu đúng là luật sư bào chữa đã có ý kiến đề nghị thì cơ quan xét xử các cấp cần áp dụng quyền năng pháp lý của mình do luật quy định để ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra, viện kiểm sát phải trưng cầu giám định “mẫu dấu vết tay có máu trên cửa, trên thanh sắt cài cửa hậu, dấu vết trên công tắc điện” xem mẫu vật này có trùng với mẫu máu và dấu vân tay của ông Nguyễn Thanh Chấn hay không.
Để xảy ra hậu quả làm oan sai khiến cho một con người phải ngồi tù 10 năm, đến thời điểm hiện nay có thể những ai quan tâm đến vụ án cũng phần nào biết được cơ quan tiến hành tố tụng hoặc người tiến hành tố tụng nào đã cố ý làm trái quy định của pháp luật. Ai có công thì cần được xem xét khen thưởng kịp thời. Ai có lỗi, ai có tội thì cũng cần phải xử lý nghiêm minh để ngăn chặn những oan sai khác và đồng thời cũng là để xác định trách nhiệm bồi thường oan sai đã gây ra. Đó không chỉ là mong mỏi của riêng cá nhân tôi mà toàn xã hội cũng đều đang mong mỏi và chờ đợi kết quả giải quyết thấu lý, đạt tình, đúng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền.

LS Dương Minh Kiên

Không có nhận xét nào: