Cần xem xét lại căn cứ pháp lý của toàn bộ vụ án





Sau bài báo “Nghịch lý của trí tuệ và vòng lao lý” của nguyên Cục phó Cục điện Ảnh-Bộ Văn Hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Thị Hồng Ngát trên Sở hữu Trí tuệ&Sáng tạo số vừa rồi, chúng tôi đã tiếp tục
nhận được ý kiến của một trí thức nổi tiếng khác, Tiến sĩ Luật-Luật sư Phan Trung Hoài (thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM). Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng ý kiến nói trên.

Sau bài báo “Nghịch lý của trí tuệ và vòng lao lý” của nguyên Cục phó Cục điện Ảnh-Bộ Văn Hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Thị Hồng Ngát trên Sở hữu Trí tuệ&Sáng tạo số vừa rồi, chúng tôi đã tiếp tục nhận được ý kiến của một trí thức nổi tiếng khác, Tiến sĩ Luật-Luật sư Phan Trung Hoài (thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM). Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng ý kiến nói trên.

Vào ngày 11/8/2011, bà Trần Ngọc Sương đã được Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Cờ Đỏ tống đạt Cáo trạng số 28/KSĐT-KSXXSTHS-KT-CV ngày 28/7/2011 quyết định truy tố bà Trần Ngọc Sương về tội “Lập quỹ trái phép”. Mặc dù vụ án đã trải qua quá trình xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, sau đó được tiến hành điều tra lại và chuyển giao về Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ, làm phát sinh một số vấn đề cần được đánh giá một cách thấu đáo liên quan đến việc xác định bản chất vụ án, về những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, việc xác định thẩm quyền truy tố, xét xử không phù hợp với quy định của pháp luật.

1. Quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án NTSH có biểu hiện vi phạm nguyên tắc bảo đảm pháp chế XHCN, có nhiều vướng mắc, sai phạm về thủ tục tố tụng:

1.1.- Sau khi Đoàn Thanh tra NTSH có Kết luận Thanh tra số 28 ngày 7/5/2007(có báo cáo kết quả thanh tra số 90/BC-TT2 ngày 05/10/2006 và Ủy ban nhân dân TP Cần Thơ có kết luận thanh tra số 28 ngày 07/5/2007 ,nhưng mãi đến ngày 11/5/2007 Nông trường mới nhận được báo cáo kết quả thanh tra,như vậy sau ngày có kết luận của Ủy ban TP Cần Thơ 04 ngày và sau ngày có báo cáo kết quả thanh tra 7 tháng 6 ngày. Chứng tỏ sự việc này không bình thường), trong khi chưa xem xét các giải trình của Ban giám đốc NTSH và thực hiện các thủ tục được quy định tại Thông tư liên tịch số 03/TTLT-KSNDTC-TTrCP-BCA-BQP ngày 23/5/2006 về quan hệ phối hợp phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố vụ án hình sự, vào ngày 20/3/2008, Thành ủy Cần Thơ đã có Thông báo số 91-TB/VPTU trong đó đề cập quan điểm của Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chuyển sang CQĐT “trước mắt khởi tố vụ án cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng…”.

Việc Thành ủy TP Cần Thơ sau khi xin ý kiến Chính phủ và Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương đã chỉ đạo trực tiếp bằng văn bản yêu cầu khởi tố vụ án hình sự về một tội danh cụ thể xảy ra tại NTSH đã thể hiện sự can thiệp không đúng, không bảo đảm nguyên tắc của Đảng và pháp luật của Nhà nước của cấp ủy Đảng địa phương đối với hoạt động bình thường của Cơ quan Thanh tra và các cơ quan tiến hành tố tụng. Về vấn đề này, nguyên cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có 02 (hai) lá thư ngày 8/5/2008 gửi Ban Thường vụ Thành ủy TP Cần Thơ và Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư đã phản ánh việc áp đặt của cấp ủy Đảng đối với trường hợp bà Trần Ngọc Sương, không để các cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xác định theo trình tự thông thường.

Như vậy, khởi nguồn nảy sinh vụ án và phát sinh các hoạt động tố tụng gây nên một vụ án xôn xao dư luận nói trên xuất phát từ việc nhận định ban đầu và chuyển giao hồ sơ thanh tra sang CQĐT không có căn cứ pháp luật, không đúng bản chất sự việc, trái với nguyên tắc là việc khởi tố vụ án hình sự chỉ được tiến hành khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm như được quy định tại điều 100 BLTTHS, chứ không phải khởi tố vụ án và bị can rồi mới tiến hành điều tra hành vi phạm tội. Mặt khác, quá trình chỉ đạo, tiến hành các thủ tục và hoạt động tố tụng đối với vụ án không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm pháp chế XHCN, dẫn đến gặp nhiều vướng mắc, vi phạm sau này.

1.2. Sau khi UBND TP Cần Thơ có quyết định số 784 ngày 01/4/2008 về việc chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật tại NTSH sang CQĐT, ngay sau đó, CQĐT đã quyết định khởi tố vụ án hình sự số 40 về hành vi “Cố ý làm trái…”, đến ngày 27/6/2008 đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự về hành vi “Lập quỹ trái phép”.

Các biểu hiện vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng dẫn đến việc hủy toàn bộ các bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đây của TAND huyện Cờ Đỏ và TP Cần Thơ đã được Kháng nghị số 09/QĐ-VKSTC-V3 ngày 6/4/2010 của VKSND tối cao và Quyết định giám đốc thẩm số 22/2010/HS-GĐT ngày 27/5/2010 của Tòa Hình sự TAND tối cao chỉ rõ. Tuy nhiên, khi tiến hành điều tra lại, các cơ quan tiến hành tố tụng TP Cần Thơ đã tiếp tục có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, đã được chúng tôi chỉ rõ trong các bản Kiến nghị luật sư số 01 và 02, bao gồm:

- Thu thập, đánh giá không xác thực các tài liệu, chứng từ, lời khai được coi là chứng cứ nhằm quy buộc tội danh “Lập quỹ trái phép” đối với bà Trần Ngọc Sương, không thỏa mãn là những chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định có hậu quả nghiêm trọng đối với vụ án được quy định tại khoản 1 Điều 168 và điểm a khoản 1 Điều 179 BLTTHS. Cụ thể, các bảng kê và lời khai của kế toán, thủ quỹ NTSH liên quan đến các khoản chi phí liên quan bà Trần Ngọc Sương chưa được coi là chứng cứ có giá trị chứng minh, chưa nói đến có ý nghĩa là chứng cứ quan trọng đối với vụ án.

- Các cơ quan THTT đã không giải quyết và trưng cầu giám định tài chính lại đối với các nguồn thu- chi từ cái gọi là “quỹ trái phép”, dẫn đến việc xác định độ tin cậy, chính xác và giá trị pháp lý của các số liệu, chứng từ làm căn cứ quy buộc trách nhiệm hình sự đối với bà Trần Ngọc Sương không được đảm bảo. Bản Kết luận giám định tài chính ngày 3-7-2008 trước đây chưa đảm bảo căn cứ pháp lý, vi phạm cả hình thức và nội dung của một bản kết luận giám định, có dấu hiệu không vô tư khách quan của giám định viên. Nội dung bản KLGĐ này không chỉ thiếu căn cứ do việc tiếp nhận “đầu vào” là các tài liệu, số liệu thống kê không có tính xác thực, không đảm bảo giá trị pháp lý làm cơ sở tiến hành giám định, mà còn đánh giá không đúng bản chất sự việc và vượt quá thẩm quyền của các Giám định viên.
- Trong quá trình tham gia tố tụng, các luật sư bào chữa bảo vệ quyền lợi hợp pháp và bản thân bà Trần Ngọc Sương đã có nhiều bản kiến nghị, đề xuất, yêu cầu làm rõ bản chất, bối cảnh, nguyên nhân nảy sinh vụ án và những vướng mắc, sai phạm trong quá trình điều tra, nhưng không hề được các cơ quan THTT TP Cần Thơ và huyện Cờ Đỏ xem xét giải quyết, vi phạm các điều khoản của chương XXV Bộ luật TTHS năm 2003 và điểm (o) khoản 2 điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT ngày 27/8/2010 của liên ngành VKSND-BCA-TANDTC quy định: “Khiếu nại, tố cáo của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của họ”.
Từ những phân tích và căn cứ Thông tư liên tịch số 01 nêu trên, có đủ cơ sở khẳng định đã “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” như được quy định tại khoản 3 Điều 168 và điểm c khoản 1 Điều 179 của BLTTHS là “trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án”.

2. Bối cảnh, tính chất đặc thù của mô hình NTSH không được đánh giá đúng bản chất và dựa trên quan điểm lịch sử, cụ thể:

2.1. Có thể nói, lịch sử hình thành và phát triển của NTSH chứa đựng trong đó những đặc điểm và đặc trưng, phản ánh cả một giai đoạn lịch sử chuyển đổi từ quan niệm đến chính sách, luật pháp về quản lý kinh tế, nhất là chính sách về đất đai, nông nghiệp của đất nước ta, tích tụ cả những mặt tiến bộ, tích cực và cả những mặt bất cập, tồn tại. Điểm đặc thù chính yếu của NTSH vừa là một nông trường quốc doanh, có tính chất của một doanh nghiệp Nhà nước, lại vừa có tính chất như một hợp tác xã nông nghiệp… Đã có một thời gian, mô hình NTSH đã dành được sự quan tâm thích đáng từ phía lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trong một chừng mực nào đó, Nhà nước cũng đã tạo điều kiện hình thành những cơ chế và chính sách đặc thù áp dụng cho NTSH.

Tuy vậy, thực tế lịch sử hình thành NTSH, cũng như một số nông trường ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, phần lớn vẫn phải dựa vào sức dân, tự lực, tự cường và sự hỗ trợ cho vay vốn của các thiết chế tài chính, ngân hàng. Ngay từ khi được thành lập vào năm 1979, việc đầu tư cho hệ thống thủy lợi, thi công đào đắp các kênh cấp 2, 3, kênh nội đồng, hoàn chỉnh bờ vùng, bờ thửa nhằm tháo chua, rửa phèn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất nhằm nâng cao năng suất, đa dạng hóa cây trồng và sản phẩm, chăm lo các mặt phúc lợi xã hội và đời sống nông trường viên, được hình thành từ nhiều nguồn, trong đó phần lớn là sự tự lực của NTSH ,hầu như vay vốn ngân hàng gần 100%. Mãi đến năm 1997 tức khoảng 18 năm sau, vốn lưu động mới được cấp 600 triệu đồng từ chính nguồn lợi nhuận của NTSH nộp. Phải đến 10 năm sau (từ năm 1993-2002), NTSH mới được Nhà nước thanh toán tiền nợ gốc để Nông trường trả nợ vay ngân hàng nhằm đền bù thành quả lao động cho hơn 2000 hộ nông dân có chứng khoán trước giải phóng và được UBND TP Cần Thơ cho phép vào năm 2004 bán một số tài sản trả bớt phần lãi vay ngân hàng phát sinh từ tiền vay đền bù thành quả lao động .

Trong điều kiện chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp còn nhiều tồn tại nhiều bất cập, có thể nói NTSH là một mô hình mang tính lịch sử, dọ dẫm, tìm tòi, đúc kết, sáng tạo vươn lên từ trong gian khó, là một sản phẩm của cơ chế quản lý kinh tế đặc thù (đặc biệt là Nông trường đã làm thay chức năng quản lý nhà nước cấp xã phường mà không hề được cấp ngân sách trong thời gian dài 25 năm từ 1979 đến 2004 cho đến khi thành lập xã Thới Hưng nằm trong Nông trường Sông Hậu 2004 và quĩ đời sống này được sử dụng cho an sinh xã hội). Do đó, hoạt động của NTSH vừa phản ánh và phát huy vai trò chủ đạo và bước đầu trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính, khoa học công nghệ và văn hóa xã hội trên địa bàn, vừa bộc lộ những mặt hạn chế, khó khăn không tránh khỏi cả về phương thức quản lý, cho đến việc sử dụng và khả năng cân đối các nguồn thu chi tài chính. Điều này giải thích vì sao phần lớn nguồn tiền sử dụng từ cái gọi là “quỹ trái phép” mà bà Trần Ngọc Sương bị quy kết sau này phần lớn lại được hình thành từ các sản phẩm và tài sản tự có được tạo lập của chính NTSH. Đó là chưa xét đến thực trạng pháp lý vào thời điểm hình thành các nguồn tiền này chủ yếu bao gồm các khoản thu từ sản xuất phụ, được sử dụng mức 85% cho quỹ phúc lợi của xí nghiệp quốc doanh được điều chỉnh theo Nghị định 25/CP ngày 21- 01-1981 của Chính phủ, được hình thành từ thời cha ruột của bà Sương là ông Trần Ngọc Hoằng điều hành. Một số nguồn thu sau thời điểm bà Trần Ngọc Sương lên làm giám đốc không phải có được từ việc thực hiện các chức năng hoạt động sản xuất, kinh doanh theo giấy đăng ký kinh doanh chính thức của NTSH.

2.2. Khi đánh giá hiệu quả của mô hình và những vấn đề tồn tại liên quan tình hình tài chính của NTSH vào thời điểm xảy ra vụ án, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Cần Thơ vẫn kết luận thực chất NTSH không mất khả năng thanh toán, nhưng khả năng thanh toán nhanh thì không có. Cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn của NTSH (theo bản cân đối kế toán hợp nhất tạm thời năm 2006) là 344,7 tỷ đồng. NTSH có đề nghị thời gian hoàn trả nợ trong 10 năm tới và có thể thực hiện được sớm hơn khi được sự hỗ trợ của Chính phủ qua thu nợ bàn giao đường giao thông, hệ thống điện, công trình thuỷ lợi theo Quyết định 255 của Chính phủ năm 2003. Đồng thời, NTSH cũng đã lập đề cưong và xây dựng xong dự thảo phương án xử lý tài chính và Sở NNPTNT đang tiếp tục rà soát trước khi thông quan Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Ban chỉ đạo thu hồi công nợ NTSH để trình UBND TP Cần Thơ phê duyệt.

Theo đề nghị của UBND TP Cần Thơ tại Báo cáo số 107 ngày 2-10-2009, trên cơ sở phương án xử lý nợ của UBND TP Cần Thơ đề nghị các Bộ chức năng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ hỗ trợ cho NTSH (trước mắt khoanh nợ ngân hàng nhằm giúp NTSH vượt qua khó khăn về tài chính), kiến nghị Chính phủ xem xét có ý kiến chỉ đạo chủ trương xử lý nợ nêu trên nhằm giúp cho NTSH sớm được chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới theo đúng lộ trình cổ phần hóa và sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước…

Như vậy, những phân tích đánh giá của chúng tôi nêu trên cũng phù hợp với nhận định của Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong văn bản số 1594/MTTW-BTT ngày 12/8/2011 về thực tế này “đòi hỏi phải có quan điểm lịch sử cụ thể để xem xét, xử lý vấn đề, đồng thời vận dụng đúng đắn pháp luật, các quy định của pháp luật trong từng giai đoạn đổi mới nền kinh tế và cơ chế tài chính ở nước ta”.

3. Việc CQĐT Công an TP Cần Thơ tiến hành điều tra lại, nhưng VKSND huyện Cờ Đỏ truy tố và Tòa án nhân dân huyện Cờ Đỏ xét xử sơ thẩm lại là không đúng thủ tục và thẩm quyền:

3.1. Diễn biến quá trình tiến hành tố tụng, điều tra lại cho thấy, việc VKSND TP Cần Thơ có quyết định số 43 ngày 18/3/2011 chuyển vụ án hình sự cho VKSND huyện Cờ Đỏ để truy tố là trái với thẩm quyền điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật. Bởi lẽ, theo điều 137 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) quy định “VKSND tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong phạm vi trách nhiệm do luật định”. Trên cơ sở này, điều 1 Luật Tổ chức VKSND xác định “VKSND địa phương thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp ở địa phương mình”. Khoản 4 điều 166 BLTTHS quy định: “Trong trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền”. Trong vụ án này, CQĐT Công an TP Cần Thơ là cơ quan ra quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can, trực tiếp tiến hành điều tra lại, VKSND TP Cần Thơ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra. Tuy nhiên, việc VKSND TP Cần Thơ không quyết định truy tố mà chuyển cho VKSND huyện Cờ Đỏ ra Cáo trạng là trái thẩm quyền, vi phạm các điều 36, 37, 112 và 113 Bộ luật TTHS năm 2003 về thẩm quyền, trách nhiệm, quyền hạn của VKS và Kiểm sát viên đối với hoạt động điều tra.

3.2. Mặt khác, việc chuyển thẩm quyền truy tố, ra cáo trạng từ VKSND TP Cần Thơ cho huyện Cờ Đỏ càng không phù hợp với chính “lý do” mà CQĐT huyện Cờ Đỏ yêu cầu chuyển vụ án NTSH về cho cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ tiến hành điều tra theo thẩm quyền, có báo cáo cho VKSND TP Cần Thơ vào ngày 3/7/2010. CQĐT huyện Cờ Đỏ cho rằng: Tính chất của vụ án là phức tạp, nghiêm trọng, liên quan đến nhiều đối tượng thuộc nhiều tỉnh, thành khác nhau, các bị can có nhân thân đặc biệt, dư luận cả nước quan tâm; kết quả xử lý vụ án có ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các cấp lãnh đạo, nhất là đối với các cơ quan tiến hành tố tụng và sự ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương… (BL 6403). Do đó, nay VKSND huyện Cờ Đỏ ra cáo trạng và thực hành quyền công tố không chỉ không phù hợp với quy trình “thông khâu” của ngành kiểm sát, mà còn mâu thuẫn với chính đề nghị của cơ quan điều tra huyện Cờ Đỏ trước đây.

4. Dư luận báo chí và kiến nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản ánh không có sự đồng thuận của lòng dân và xã hội đối với quá trình giải quyết vụ án NTSH:

Do nguyên nhân và bối cảnh xảy ra vụ án, ngay từ đầu đã có nhiều vấn đề phát sinh được dư luận xã hội quan tâm, các cơ quan thông tin truyền thông đại chúng đã phản ánh nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến vụ án. Với góc độ đại diện cho tiếng nói của các tổ chức thành viên, trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ vụ án và tham khảo ý kiến của các chuyên gia pháp luật, quan điểm pháp lý của các luật sư bào chữa bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bà Trần Ngọc Sương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có nhiều văn bản kiến nghị lãnh đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật, đặc biệt là văn bản số 1594/MTTW-BTT ngày 12/8/2011 nêu trên, đề nghị đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can đối với bà Trần Ngọc Sương về tội “lập quỹ trái phép” và xử lý các sai sót của bà Trần Ngọc Sương trong lĩnh vực tài chính bằng các biện pháp hành chính và dân sự.

Tiếng nói mạnh mẽ của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói trên đã thể hiện quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án liên quan NTSH và biện pháp xử lý đối với bà Trần Ngọc Sương không chỉ chưa thấu tình đạt lý, mà còn không đạt được sự đồng thuận của dư luận xã hội và các thiết chế đại diện cho quyền lợi của người dân.

Không có nhận xét nào: